THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC CHO TRẺ EM

Thứ sáu - 19/06/2020 02:44
THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC CHO TRẺ EM

Trẻ em là đối tượng nhạy cảm rất dễ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác nhau. Khi bị mắc bệnh, phụ huynh không được tự ý tùy tiện mua và sử dụng thuốc điều trị mà phải đưa trẻ đi khám để bác sĩ kê đơn, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn, hợp lý vì trẻ có những đặc điểm cần lưu ý nếu phải dùng thuốc.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ

          Thực tế liều thuốc dùng cho trẻ em khác hẳn với liều thuốc dùng cho người lớn, do đó tuyệt đối không được dùng liều thuốc người lớn rồi tùy tiện suy diễn tính ra liều thuốc đối với trẻ em; đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ đang còn bú sữa mẹ.

Hấp thu thuốc ở trẻ em

          Trẻ em có đặc điểm niêm mạc dạ dày chưa phát triển đầy đủ, độ acid của dạ dày chỉ đạt đến mức của người lớn khi trẻ đủ 20 - 30 tháng tuổi. Thời gian tháo sạch của dạ dày trẻ thường kéo dài và không đều. Đồng thời, nhu động ruột của trẻ hoạt động thất thường cùng với niêm mạc ruột chưa trưởng thành, chức năng mật chưa phát triển đầy đủ... nên việc hấp thu thuốc ở hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ đang bú sữa mẹ còn rất kém và có sự sai lạc đối với các loại thuốc phenobarbital, paracetamol, phenytoin, carbamazepin, rifampicin...

          Khi bôi thuốc ngoài da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi, lớp sừng ở da mỏng, hàng rào biểu mô chưa trưởng thành nên việc bôi thuốc dễ gây ra tình trạng kích ứng hay dị ứng;

Hàng rào máu - não ở trẻ em

          Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hàng rào máu - não chưa phát triển đầy đủ nên lưu lượng máu đến não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn. Do đó nên thuốc dễ ngấm vào hệ thần kinh trung ương nhanh hơn, nhiều hơn ở người lớn dẫn đến tác dụng và độc tính của thuốc trên hệ thần kinh trung ương sẽ tăng lên khi sử dụng các loại thuốc ngủ, an thần, chế phẩm có chất thuốc phiện...

Chuyển hóa thuốc ở trẻ em

          Thực tế gan của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ và trưởng thành nên nhiều loại thuốc khi sử dụng khó chuyển hóa được ở gan; chất mẹ tích tụ lại, không thải trừ được và sẽ gây độc nếu sử dụng các loại thuốc như: diazepam, phenobarbital, paracetamol, theophylin, tolbutamid, chloramphenicol...

Thải trừ thuốc qua thận ở trẻ em

          Lúc trẻ mới sinh và trẻ nhỏ, chức năng thấm lọc của cầu thận và thải trừ thuốc sử dụng qua ống thận còn rất yếu; đồng thời lưu lượng máu qua thận cũng kém. Vì vậy đối với các loại thuốc thải qua thận sẽ kém được loại trừ, chúng có thể tích lũy lại trong cơ thể và gây độc. Vì vậy cần thận trong khi sử dụng các loại kháng sinh nhóm aminoglycosid, aspirin, sulfamid, penicillin, paracetamol, digoxin, phenobarbital, furosemid...

          Vì vậy, TTYT huyện Thanh Sơn khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý tùy tiện mua và sử dụng bất cứ một loại thuốc gì khi trẻ chưa được bác sĩ khám bệnh, kê đơn, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách rõ ràng, cụ thể để bảo đảm sự an toàn cho trẻ.

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn