Bạo lực gia đình - Còn đó những nỗi đau

Thứ hai - 15/06/2020 22:57
Thêm tiêu đề
Thêm tiêu đề

Người ta thường nói: “Gia đình là nơi để yêu thương”. Từ lâu, gia đình vốn được xem là tổ ấm của mỗi người, nơi mà mỗi chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. Nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng và nhiều gia đình cũng không tránh khỏi đau xót khi bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình. Nhắc đến bạo lực gia đình, có thể nói đây là một vấn nạn mang tính toàn cầu, nó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ, trẻ em, mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.

Trong xã hội hiện nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bạo lực gia đình không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.

 

Rõ ràng, bạo lực gia đình không chỉ là sự ứng xử bằng “nắm đấm” của người chồng đối với vợ, mà đôi khi còn là sự khủng bố tinh thần như lăng mạ hoặc im lặng kiểu “chiến tranh lạnh” với nhau. Thực tế, trong xã hội hiện nay, một điều dễ nhận thấy là bạo lực thể xác thường diễn ra với những gia đình có trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè cờ bạc. Ngược lại, bạo lực tinh thần thường nảy sinh trong gia đình viên chức trí thức như một "mặt trái của nền kinh tế thị trường".

 

Nguyên nhân bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật…, ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, một động cơ khác làm bùng nổ tình trạng bạo lực gia đình chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân, ở đây thường là phía người vợ. Mang nặng lối suy nghĩ cổ hủ “Xấu chàng hổ ai”, nên tuy bị đánh đập, ức hiếp nhưng họ vẫn cứ im lặng, chịu đựng một mình. Tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến trầm cảm và rối loạn streess, nhiều trường hợp đã dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí có thể tử vong. Một điều rất thương tâm là, sống trong một gia đình thường xuyên bị bạo lực, nhiều trẻ em lớn lên đã mang theo một nỗi ám ảnh tinh thần về những cách ứng xử thô bạo của bố mẹ với nhau. Chứng kiến được hết sự đau khổ và nỗi khiếp sợ của những đứa trẻ khi phải hứng chịu tình trạng bạo hành gia đình, chúng ta không khỏi bàng hoàng, đau xót. Nhiều đứa trẻ đã nói rằng, chúng sợ nhất là khi phải chứng kiến những hành vi bạo lực của cha mẹ. Nhiều trẻ em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì đã hết 25% nguyên nhân là do hệ lụy của nạn bạo lực gia đình. Nên chăng, những người làm cha, làm mẹ hãy giữ cho con em mình có một tuổi thơ trọn vẹn, để các em có thể sống đúng với lứa tuổi của mình, đừng vì lỗi lầm của người lớn gây ra mà làm ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ.

 

Cuộc sống ngày càng hiện đại, bên cạnh sự thuận lợi về mặt kinh tế , đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, thì một bộ phận giới trẻ cũng đang phải đối diện với căn bệnh “lạnh lùng, vô cảm” với những giá trị truyền thống mẫu mực từ ngàn xưa để lại. Đồng tiền, danh vọng… lăn tròn trên lương tâm và khối óc của nhiều người, khiến họ ngày càng trượt dài trên tham vọng, ích kỷ nhỏ nhen của bản thân mà quên đi biết bao giá trị đạo đức nhân văn, bao nhiêu tình cảm tốt đẹp từ gia đình, vợ chồng, con cái, để rồi khi hối hận nhìn lại thì đã muộn màng. Cuộc sống gia đình hạnh phúc thì ít mà khổ đau thì nhiều, người phụ nữ phải luôn gồng gánh trên vai những nỗi đau quá lớn để vượt qua nghịch cảnh gia đình. Vì thế, phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững bền./.

 

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn