Chống bạo hành gia đình: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thứ ba - 09/03/2021 03:07
Chống bạo hành gia đình: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ. Trước hết, tình trạng bạo lực gia đình đã trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người mà đối tượng bị tác động chủ yếu là phụ nữ (người vợ), bạo hành gia đình đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Đối với những vụ bạo hành gia đình trong đó hành vi hành hung vợ được thực hiện trước mặt con trẻ thì sẽ để lại những hậu quả hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp các cháu nhỏ đã không chịu được thực tế bố hành hung mẹ đã bỏ nhà đi lang thang và bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hành vi phạm pháp.

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn những vụ việc bạo hành gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống bạo hành gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Trong đó, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Hoạt động truyền thông cần nêu rõ nguyên nhân bạo lực gia đình là sự bất bình đẳng giới, là tư tưởng"trọng nam khinh nữ", phân biệt địa vị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình.

Đồng thời, cần xây dựng các thiết chế gia đình bền vững. Đây được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Vì vậy đòi hỏi các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể xây dựng được quy chế, quy ước nhằm hạn chế mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc bạo lực gia đình theo các quy định của pháp luật để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe; xem xét nghiên cứu, điều chỉnh các chế tài xử lý những hành vi bạo hành gia đình có tính chất nghiêm trọng.

Gia đình là tế bào của xã hội; mỗi gia đình thực sự yên ấm, hạnh phúc là điều kiện để xây dựng xã hội phát triển. Do đó, cần chung tay phòng, chống tình trạng bạo hành gia đình vì mục tiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”./.

 

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn