PHÒNG BỆNH DẠI TRÊN NGƯỜI DO CHÓ, MÈO CẮN

Thứ hai - 06/07/2020 21:00
PHÒNG BỆNH DẠI TRÊN NGƯỜI DO CHÓ, MÈO CẮN

Bệnh dại là bệnh lây truyền chung giữa động vật và người, do vi rút dại gây ra.

Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo) được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.

Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Hạn chế nuôi chó

- Tiêm vắc xin phòng dại cho chó

- Chó nuôi phải xích, nhốt

- Chó ra đường phải có rọ mõm

- Người bị chó, mèo nghi bị dại cắn phải đi tiêm phòng sớm và đầy đủ

- Không nên điều trị thuốc nam khi bị chó, mèo nghi bị dại cắn

- Trường hợp người có nguy cơ cao với vi rút dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực có lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, Trung tâm Y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại.

- Đối với người bị chó, mèo nghi dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh, cần đến ngay Trung tâm Y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt.

- Đối với động vật bị dại hoặc nghi mắc bệnh dại, gia đình cần phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương xử lý. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng ổ dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại. Không được vận chuyển đưa chó mèo ra, vào vùng có dịch. Những người trực tiếp làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

* Cách xử lý khi bị chó, mèo cắn
 

.

Người bị chó, mèo cắn cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng, sát khuẩn vết thương bằng cồn iod để chống bội nhiễm và giảm đến mức tối đa số lượng virus dại xâm nhập vào người; đến ngay Trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được tư vấn về liệu trình điều trị dự phòng, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Đối với chó, mèo nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hằng năm, cần theo dõi con vật trong 14 ngày. Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày./.

Nguồn tin: Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn