Thuốc lá "đốt" lá phổi như thế nào?

Thứ ba - 26/05/2020 20:56
Thuốc lá "đốt" lá phổi như thế nào?

Với hơn 7000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, khói thuốc là một trong những tác nhân phổ biến gây bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hút thuốc lá gây ra nhiều triệu chứng hô hấp mạn tính như: Ho mạn tính, khò khè, có đờm và khó thở, nguy cơ viêm đường hô hấp như: viêm phổi, bệnh cúm... Khi khói thuốc được hít vào, chất độc của chúng gây hại cho cơ thể từ thời điểm chúng xâm nhập qua miệng và mũi, phá hủy mô và tế bào ở tất cả các đường dẫn tới phổi.

Các chuyên gia cho biết: “Phổi không chỉ bị “đốt” khi một người hút thuốc mà các chất độc trong khói thuốc lá còn gây hại ghê gớm cho người hút thụ động. Trung bình hai lá phổi của con người chứa khoảng 6 lít không khí, đóng vai trò chủ yếu trao đổi các khí cho cơ thể. “Bộ lọc khí’ này có thể bị hủy hoại bởi những chất độc trong khói thuốc lá”.

Người hút thuốc từ khi còn trẻ có lá phổi không bao giờ phát triển đầy đủ về kích thước và hoạt động với mức gắng sức cao nhất. Bởi vì phổi ở người trẻ còn tiếp tục phát triển, nhưng chất độc trong khói thuốc làm chậm sự phát triển và tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau này.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người hút thuốc sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi dẫn đến ho, đau ngực và khó thở. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây ra tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động.

Hen phế quản là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ cũng như người lớn. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, trên 90% các trường hợp ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nam giới và nữ giới hút thuốc. Người hút thuốc lá 20 điếu/ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc tăng nguy cơ tử vong do ung thư lên 37% mỗi 5 năm so với lúc chưa hút. Các nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy, bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. Sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc.

Bệnh lao gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi. Bệnh sẽ trầm trọng hơn ở những người hút thuốc. Đáng lưu ý, người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp đôi những người không hút thuốc. Những người bệnh đang mắc bệnh lao, nếu tiếp tục hút thuốc thì sự kết hợp của bệnh lao với các tác hại của khói thuốc lá, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp.

Thuốc lá gây tổn thương lớp biểu mô hệ hô hấp và khả năng làm sạch vi khuẩn khỏi đường hô hấp. Người hút thuốc chiếm khoảng 50% số người khỏe mạnh nhiễm phế cầu. Người hút thuốc lá thụ động, trẻ em có bố mẹ hút thuốc cũng tăng nguy cơ các nhiễm khuẩn hô hấp.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt phòng tránh những bệnh có liên quan đến chức năng phổi do hút thuốc lá, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên từ bỏ thói quen thuốc lá ngay từ hôm nay; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe; đồng thời khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh liên quan đến phổi./.

 

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn