Những điều cần biết về vi chất dinh dưỡng

Chủ nhật - 31/05/2020 21:02
Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng
Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng là những chất dinh dưỡng mà chúng ta cần lượng nhỏ hàng ngày để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Khi thiếu những vi chất này sẽ gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe.

Vi chất dinh dưỡng là gì?

Các vi chất dinh dưỡng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô, vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể... Vi chất dinh dưỡng còn giúp duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi tế bào, các mô tổn thương, là thành phần chủ yếu để tạo ra các hoóc-môn, dịch tiêu hóa… Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B, C và các vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E, K. Các chất khoáng như sắt, kẽm, iốt, đồng, mangan, magiê. Trong đó vitamin A, sắt, i-ốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất mà trẻ em rất dễ bị thiếu.
 

.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: nguyên nhân chính của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, trước hết là khẩu phần ăn không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị hằng ngày.

Nguyên nhân thứ 2 là tình trạng bệnh, một số trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn làm tăng nhu cầu một số chất dinh dưỡng khiến cho cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng.

Một nguyên nhân nữa là trẻ mắc một số bệnh ký sinh trùng. Những người bị thiếu máu, thiếu sắt thường xảy ra ở những vùng là nhiễm giun móc, giun đũa cao. Những vùng nông thôn thì trẻ nhiễm giun đũa lên tới 70-90%. Khi bị nhiễm giun đũa sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa, hấp thu và thiếu vitamin A.

Tùy từng đối tượng mà việc thiếu chất dinh dưỡng sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Thiếu Vitamin A ở giai đoạn sớm có thể bị quáng gà, đến giờ gà lên chuồng thì trẻ nhìn không rõ, thậm chí là nhìn nhầm bà, mẹ. Thiếu máu, thiếu sắt có biểu hiện da xanh, niêm mạc mắt mờ...

Hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi còn ở mức cao 24,3%; tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh ở các khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em vẫn còn cao như: Phụ nữ mang thai là 32,8%, trẻ em dưới 5 tuổi là 27,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu Vitamin A tiền lâm sàng là 13% và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm...

Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ...
 

.

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo các biện pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

- Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

- Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

- Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.

- Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitaminD.

- Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

- Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Nguồn tin: Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn